Báo cáo về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến liên quan đến dự án đầu tư sân bay quốc tế Long Thành tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 26/2, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã bám theo nhiều thông tin điều chỉnh về tổng mức đầu tư, giảm khoảng 2 tỷ USD (từ 7,8 tỷ USD giai đoạn 1 xuống còn hơn 5,2 tỷ USD) mà Chính phủ mới đưa ra.
Cụ thể, Chủ nhiệm UB Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến trong thường trực UB đề nghị giải trình thêm về về tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án huy động vốn Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục. Có ý kiến cho rằng suất đầu tư của Dự án cao hơn so với suất đầu tư trung bình của các cảng hàng không quốc tế các nước trong khu vực.
Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3.268,8 triệu USD (62,42%).
Thường trực UB Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình phương án mới làm sân bay Long Thành trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 26/2.
Cao tốc, đường sắt đáng ưu tiên đầu tư hơn Long Thành?
Thảo luận về vấn đề này tại UB Thường vụ, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn nêu hàng loạt câu hỏi. Dù số vốn đầu tư giảm theo phương án chỉ làm một đường cất hạ cánh, ông Hiển cho rằng, cơ chế tài chính dành cho dự án vẫn chưa rõ. Vốn ngân sách tập trung Chính phủ trình chỉ 12.000 tỷ đồng nhưng vốn vay ODA, huy động trái phiếu, vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ… không rõ sẽ quản lý, thu hồi như thế nào… vì xét cho cùng, đây cũng là tiền ngân sách.
“Nếu cộng tất cả các khoản đó thì trong tổng số 100.000 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn 1 (tương đương 5 tỷ USD), vốn ngân sách cũng tới 40.000 tỷ đồng. Việc này sẽ liên quan đến nợ công, đến việc vay để bù lấp bội chi, nhà nước vay về cho doanh nghiệp vay lại… trong khi còn rất nhiều dự án, công trình khác vẫn phải tiếp tục cáng đáng” – ông Hiển lo ngại.
Trong khi đó, câu hỏi về hiệu quả đầu tư cũng chưa trả lời được, chưa thể khẳng định khi nào dự án thu hồi được vốn, chưa nói đến có lãi.
Ông Hiển cũng cảnh báo, nhiều chuyên gia đã phân tích, đặt sân bay ở Long Thành chỉ có thể thực hiện trung chuyển cho 3 nước Philippine, Indonesia, Australia nhưng 2 nước lân cận lại quá gần Việt Nam, khó khả thi, vậy thị trường của Long Thành chỉ là trung chuyển cho… Úc? Trong khi đó, tỷ lệ khai thác nội địa ở sân bay này dự kiến rất thấp, liệu có khả năng đạt công suất khai thác 100 triệu hành khách đặt ra.
Một câu hỏi khác Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách đặt ra, trong điều kiện vốn liếng khó khăn, ngành giao thông đã luôn được ưu tiên đầu tư nhưng ngay trong ngành cũng còn nhiều bức xúc cần ưu tiên như đường bộ Bắc – Nam mới chỉ làm được một số đoạn cao tốc, đường sắt Bắc – Nam đã có hàng trăm năm, cũ kỹ, lạc hậu… có đáng đầu tư trước dự án sân bay “khủng” này?
Giải đáp lần lượt các vấn đề, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, làm sân bay để trung chuyển khách từ các nơi khác đến Long Thành và từ Long Thành đi rất nhiều địa điểm khác chứ không phải chỉ trong phạm vi 3 nước được nêu ra.
Việc đầu tư sân bay quốc tế này cũng đặt trong quy hoạch chiến lược phát triển giao thông đến 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ. Trong đó, lĩnh vực hàng không chỉ có duy nhất sân bay này được duyệt, cùng với cảng biển Lạch Huyện của ngành hàng hải, đường sắt tốc độ cao TPHCM – Nha Trang, Hà Nội – Vinh của ngành đường sắt…
Gạt bỏ lo ngại về vấn đề vốn đầu tư, Bộ trưởng Thăng cũng giải thích, các con số đưa ra mới là khái toán vì mới chỉ dừng ở báo cáo tiền khả thi nhưng việc sử dụng 12.000 tỷ đồng vốn ngân sách đã là phương án tối đa được tính. Còn nếu Chính phủ cho phép dùng nguồn vốn cổ phần hoá TCTy Cảng hàng không (ACV), dùng tiền bán quyền khai thác các sân bay… để đầu tư dự án thì thậm chí không cần dùng ngân sách rót cho Long Thành.
“Còn việc nhà nước vay ODA rồi cho doanh nghiệp vay lại đầu tư thì các dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài… hiện tại đều đang sử dụng và các doanh nghiệp vẫn đảm bảo trả nợ đầy đủ, hoạt động kinh doanh có hiệu quả” – Bộ trưởng Thăng trấn an.
Với phương án thay đổi quy mô sử dụng đất thực hiện dự án giảm từ 5.000 ha xuống còn 2.750ha, Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng – Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết Bộ Quốc phòng đã có báo cáo nêu ý kiến về vấn đề này. Diện tích đất 1.500ha bớt lại là liên quan đến quốc phòng.
Trung trướng Võ Văn Tuấn phân tích, các dự án sân bay luôn phải kết hợp khai thác dân sự với quốc phòng. Khu vực xây dựng sân bay Long Thành sẽ được bố trí phần khai thác cho máy bay quân sự tương đương máy bay A321, một trận địa pháo phòng không để bảo vệ sân bay. Tại vị trí này, đất quốc phòng còn để làm một khu vực dự trữ hậu cần kỹ thuật của lực lượng phòng không không quân phục vụ công tác tác chiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi lại, việc dành quỹ đất cho quốc phòng trong phạm vi sân bay như vậy là cần thiết, vậy có cần duy trì việc thu hồi toàn bộ 5.000 ha đất tại Long Thành, Đồng Nai như ban đầu hay chỉ thực hiện trước với 2.750 ha để phục vụ trực tiếp sân bay dân sự?
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời, tổng số đất cho dự án theo nhu cầu là 5.000 ha nhưng cần thiết tách riêng đất dành hàng không dân dụng, còn số đất dành cho quốc phòng được làm đề án riêng, tránh việc hiểu sai là nước ngoài cũng làm sân bay như thế mà chỉ cần diện tích sử dụng thấp hơn so với Long Thành.